Coronavirus
là nhóm các loài virus thuộc phân họ Coronavirinae trong họ Coronaviridae, của
Bộ Nidovirales. Coronavirus là virus có hệ gen ARN dương sợi đơn kèm
nucleocapsid đối xứng xoắn ốc. Bộ gen của Coronavirus lớn khoảng từ 26 - 32
kilo base. Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử của chúng có một vành tạo bởi các
protein bề mặt giống như vương miện, bởi vậy chúng có tên gọi Coronavirus. Nhóm
Coronavirus có thể gây bệnh ở người và nhiều loài động vật. Ở người chúng
thường gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng mũi, xoang
hoặc cổ họng và lây lan qua hắt hơi, ho. Tuy nhiên, một số biến chủng có thể
dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng hoặc tử vong.
1. CẤU TRÚC VIRUS
Source: https://commons.wikimedia.org/wiki/File:3D_medical_animation_corona_virus.jpg |
Coronavirus có hình cầu với đường kính khoảng 125nm. Đặc điểm nổi bật nhất của
coronavirus các protein bề mặt lồi ra thành các gai. Bên trong vỏ của virion là
nucleocapsid sợi đơn dương đối xứng xoắn ốc.
👉Các hạt virus Coronavirus chứa bốn
protein cấu trúc chính. Đây là các protein spike (S), màng (M), vỏ (E) và
nucleocapsid (N), tất cả đều được mã hóa trong đầu 3 ′ của bộ gen virus.
Protein S có trọng lượng khoảng 150 kDa đa số gồm hai tiểu phần S1 hình cầu ở
đầu và S2 là phần cuống, tạo nên cấu trúc gai đặc biệt trên bề mặt của virus và
có vai trò trung gian gắn vào thụ thể chủ của tế bào vật chủ. Protein M là
protein cấu trúc chính của màng virus khiến virion có hình cầu. Protein E (8
-12 kDa) nằm trên vỏ virus và có vai trò chính trong việc lắp ráp và giải phóng
virus. Protein N tồn tại trong nucleocapsid và có vai trò liên kết bộ gen virut
thành cấu trúc kiểu chuỗi hạt để đóng gói bộ gen thành các hạt virus.
👉Ngoài 4 protein chính trên, còn có
protein phi cấu trúc hemagglutinin-esterase (HE), có vai trò tăng cường sự xâm
nhập của virus qua trung gian protein S và giúp virus xâm nhập vào tế bào niêm
mạc. Các protein phi cấu trúc khác có vai trò trong đảm bảo các hoạt động của
virus.
2. HỆ SINH THÁI CORONA VIRUS
👉Coronavirus được phân loại thành 3 nhóm:
Nhóm I bao gồm các mầm bệnh động vật; nhóm II bao gồm các virus gây bệnh ở súc
vật nuôi và các coronavirus ở người liên quan đến hô hấp; và nhóm III bao gồm
các coronavirus gia cầm. Trong một phân loại khác, có 4 nhóm α, β, δ và γ. Nhóm
α chủ yếu ở dơi, và các virus PEDV; TGEV gây tiêu chảy ở lợn, FIPV gây viêm
phúc mạc ở mèo và các chủng HCoV-229E và HCoV-LN63 gây cảm lạnh ở người. Nhóm β
có các virus gây bệnh ở dơi, viêm gan ở chuột, các virus SARS được cho là từ
dơi và MERS-CoVđược cho là từ dơi và lạc đà truyền sang người; các virus
HCoV043 và HCoV-HKU1 gây cảm lạnh ở người cũng thuộc nhóm này. Nhóm δ có virus
gây bệnh tăng Plasmocyte đuôi gai. Nhóm γ có các virus gây bệnh ở bò, chuột, gà
và một số gia súc khác. Ngoài các coronavirus phổ biến trên, người ta cũng phát
hiện các chủng coronavirus mới như SW ở cá voi hay các Mesoniviridae là những
phân nhánh của Nidovirales lưu hành ở các côn trùng.
👉Mô hình của 2 virus SARS và MERS-CoV cho
thấy Coronavirus lưu hành ổn định trong quần thể các vật chủ tự nhiên. Nhưng
khi chúng biến đổi và lây lan sang vật chủ mới, chúng sẽ lây lan theo cấp số
nhân. Các Coronavirus lưu hành ở người gây khoảng 20% số ca nhiễm trùng hô hấp
hàng năm. Khác biệt so với các Rhinovirus thường gây cảm lạnh về mùa thu và mùa
xuân, hầu hết các trường hợp bệnh Coronavirus xảy ra vào mùa đông, chỉ một số
ít vào mùa xuân và mùa thu, và hầu như không có có trường hợp bệnh xảy ra vào
mùa hè. Điều này gợi ý mối tương quan giữa thay đổi thời tiết và sự lây truyền
của Coronavirus.
3. CƠ CHẾ NHÂN LÊN TRONG VẬT CHỦ
👉Khi xâm nhập vào vật chủ, protein S gắn
vào thụ thể của nó trên bề mặt màng tế bào niêm mạc đường hô hấp của vật chủ.
Đa số các coronavirus sử dụng peptidase làm thụ thể tế bào của chúng. SARS-CoV
và HCoV-NL63 sử dụng men chuyển angiotensin 2 (ACE2) làm thụ thể của chúng, còn
MERS-CoV dùng peptidase 4 (DPP4) để làm thụ thể xâm nhập vào tế bào người. Sự
thay đổi di truyển virus làm thay đổi khả năng gắn kết thụ cảm thể và thay đổi
vật chủ của chúng.
👉Bước tiếp theo sau khi xâm nhập tế bào
vật chủ là dịch mã gen sao chép từ RNA gen của virion. Đầu tiên chúng tổng hợp
ra sợi ARN thông tín để tổng hợp ra các protein cấu trúc và phi cấu trúc để đảm
bảo các hoạt động tiếp của virus, tiếp đó chúng tạo ra một sợi ARN âm đóng vai
trò khuôn mẫu để tổng hợp tiếp cái sợi ARN dương con. Sau quá trình sao chép và
tổng hợp RNA thế hệ con, các protein cấu trúc virut S, E và M được chuyển vào
lưới nội bào (ER) và di chuyển vào khoang trung gian reticulum-Golgi (ERGIC). Ở
đó, bộ gen của virut được bao bọc bởi protein N thành các Nucleocapsid. Protein
M phối hợp với protein E tích hợp vào màng của ERGIC thành lớp vỏ virus gắn bọc
lấy Nucleocapsid tạo ra các hạt giống virus (VLP). Sau đó protein S gắn vào lớp
màng của VLP thành các hạt virion trưởng thành.
👉Sau khi lắp ráp, virion được vận chuyển
đến bề mặt tế bào trong các túi và được giải phóng bởi exocytosis. Trong một số
trường hợp protein S không được gắn vào màng virion đưa đến bề mặt tế bào nên
không trình diện kháng nguyên để tạo miễn dịch. Điều này dẫn đến sự hình thành
của các tế bào đa nhân khổng lồ, cho phép virus lây lan và tồn tại trong cơ thể
bị nhiễm bệnh mà không bị hệ miễn dịch phát hiện hoặc bị vô hiệu hóa bởi các
kháng thể đặc hiệu.
4. CÁC BỆNH LÝ DO VIRUS CORONA VIRUS
Có 4 chủng Coronavirus lưu hành ở người gây bệnh cảm lạnh. Hai chủng HCoV-229E
và HCoV-NL63 là α-coronaviruses trong khi hai chủng HCoV-OC43 và HCoV-HKU1
thuộc nhóm β-coronaviruses. Những virus này là đặc hữu trong quần thể người,
gây ra khoảng 20% số ca nhiễm trùng đường hô hấp hàng năm. Sau khi xâm nhập
đường hô hấp qua mũi và ủ bệnh khoảng 3 ngày, bệnh nhân thường có các triệu
chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi và đôi khi ho và phát tán virus
ra môi trườ từa dịch tiết đường hô hấp. Bệnh sẽ tự hết sau vài ngày, nhưng ở
nhóm bệnh nhân là ở trẻ sơ sinh, người già và ở những người mắc bệnh tiềm ẩn,
có thể có biểu hiện nặng hơn như viêm đường hô hấp dưới hoặc bội nhiễm vi khuẩn.
SARS-CoV thuộc nhóm 2b β-coronavirus gây ra vụ dịch Hội chứng hô hấp cấp tính
nặng (SARS) xảy ra vào năm 2002-2003 làm nhiễm khoảng 8098 bệnh nhân với 774
trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong là 9%) và gây thiệt hại 59 tỷ USD. Tỷ lệ tử
vong lên tới 50% ở những người trên 60 tuổi. Nghi vấn ban đầu chúng xuất phát
từ cầy hương. Tuy nhiên, hiện nay người ta chấp nhận rằng SARS-CoV có nguồn gốc
từ loài dơi vì một số lượng lớn dơi móng ngựa Trung Quốc có bằng chứng huyết
thanh cho nhiễm trùng CoV từ trước hoặc phân lập được 2 loại CoV có cấu trúc di
truyền gần gũi với SARS hơn bất kỳ loại virus nào khác được xác định cho đến
nay, và dùng chung thụ thể ACE2 như SARS.
👉Việc lây truyền SARS giữa người với
người ở mức độ hạn chế. Lây lan chủ yếu trong các thành viên của gia đình hoặc
cơ sở y tế và kiểm soát tương đối hiệu quả thông qua kiểm dịch. Các trường họp
lây lan qua tiếp xúc thông thường ngoài xã hội hoặc qua sử dụng chung dịch vụ
công cộng như phương tiện giao thông, khách sạn, nhà hàng hầu như ít xảy ra.
SARS-CoV chủ yếu lây nhiễm các tế bào biểu mô trong phổi. Virus có khả năng xâm
nhập vào các đại thực bào và tế bào đuôi gai nhưng chỉ dẫn đến nhiễm trùng tự
giới hạn. Nhưng người ta cho rằng quá trình này giải phóng nhiều cytokine và
chemokine có thể gây các tổn thương phổi. Các mô hình động vật gặm nhấm bị
nhiễm các chủng SARS-CoV cũng có các đặc điểm lâm sàng tương tự như bệnh ở
người đi kèm sự tăng các cytokine tiền viêm và giảm phản ứng tế bào T.
👉Năm 2012 xuất hiện MERS-CoV, là một loại
CoV mới ở Trung Đông và lây lan sang các khu vực khác gây Hội chứng hô hấp
Trung Đông (viêm phổi và suy thận). Tính đến ngày 27 tháng 8 năm 2014, đã có
tổng cộng 855 trường hợp mắc MERS-CoV, với 333 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử
vong khoảng 40% ). MERS-CoV là một nhóm 2c β-coronavirus có liên quan đến hai
loại coronavirus ở dơi đã được xác định trước đó là HKU4 và HKU5. Tuy nhiên con
người hiếm khi tiếp xúc với dơi và lạc đà là vật chủ trung gian. Các nghiên cứu
huyết thanh học đã xác định được kháng thể MERS-CoV trên lạc đà ở Trung Đông,
và các dòng tế bào của lạc đà cho phép sao chép MERS-CoV Các nghiên cứu gần đây
xác định MERS-CoV gần như giống hệt nhau ở cả lạc đà và người bị nhiễm ở Arabi
Saudi.
👉Ngày 31/12/2019 tại Vũ Hán (Hồ Bắc,
Trung Quốc) xuất hiện vụ dịch viêm phổi Vũ Hán do coronavirus mới (n-CoV) từ ổ
khởi phát ở chợ hải sản Huanan. Bệnh ủ bệnh từ 7-14 ngày, chủ yếu gây tình
trạng viêm phổi. Tới nay (25/1/2019) đã có 1300 người mắc và 41 ca tử vong (tỷ
lệ tử vong 3%).
5. CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG
Trong hầu hết các trường hợp cảm lạnh thông thường do coronavirus, bệnh sẽ tự
khỏi nên chẩn đoán virus là không cần thiết. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu
dịch tễ học và thú y nó có thể vẫn cần chẩn đoán virus. Ngoài ra chẩn đoán cũng
rất quan trọng khi có dịch CoV nghiêm trọng như MERS-CoV, SARS và n-CoV. Việc
xác định các trường hợp sẽ hướng dẫn các biện pháp y tế công cộng để kiểm soát
dịch bệnh. PCR phiên mã ngược (RT-PCR) được sử dụng để phát hiện nhanh virus
trong các mẫu lâm sàng. Các xét nghiệm huyết thanh học sẽ giúp chẩn đoán hồi
cứu phục vụ các nghiên cứu dịch tễ học. Trong kỹ thuật RT-PCR để chẩn đoán
coronavirus, các vùng khuếch đại trong chuỗi mã hóa RNA polymerase phụ thuộc
RNA của virus và vùng gen mã hóa protein N đang được sử dụng để chẩn đoán
coronavirus.
👉Cho đến nay, không có phương pháp điều
trị chống vi-rút nào đặc hiệu nào với coronavirus ở người, vì vậy các phương
pháp điều trị chỉ mang tính hỗ trợ. Nghiên cứu invitro cho thấy interferon
(IFN) có hiệu quả một phần chống lại coronavirus. IFN kết hợp với ribavirin có
thể có hoạt tính chống coronavirus cao hơn IFN đơn thuần. Tuy nhiên, hiệu quả
trên lâm sàng còn chưa được khẳng định. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm hỗ trợ hô
hấp như thở oxy, thở máy, ECMO giúp giữ bệnh nhân sống sót cho đến khi bệnh tự
hồi phục. Huyết thanh có kháng thể trung hòa SARS-CoV đã được sản xuất và có
thể sử dụng hữu ích nhất để bảo vệ nhân viên y tế. Các mô hình cytokine ở bệnh
nhân bị bệnh coronavirus nặng và biện pháp lọc, hấp phụ cytokine để điều trị
bệnh nhân cũng đang được nghiên cứu.
👉Dự phòng lây truyển coronavirus bằng các
biện pháp dự phòng chuẩn như dùng khẩu trang khi tiếp xúc gần, rửa tay, giám
sát các đôi tượng trở về từ vùng dịch tễ và cách ly bệnh nhân. Các vắc-xin
phòng coronavirus chỉ mới phát triển được trong thú y với những bệnh như IBV,
TGEV, PEDV và Canine CoV và cũng chưa thực sự hiệu quả. Vắc-xin kết hợp giữa
virus dại hoặc camelpox và MERS-CoV đang được phát triển để tiêm chủng cho lạc
đà nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh MERS ở Trung Đông. Các vắc xin phòng bệnh
SARS, MERS-CoV ở người đang được nghiên cứu phát triển.
Nguồn: Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp ( Trưởng Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).
Post a Comment